Chiến lược truyền thông là một cẩm nang định hướng mọi hoạt động truyền bá thông điệp của thương hiệu tới cộng đồng. Mục tiêu của chiến lược truyền thông là tạo dựng một nhận thức “độc tôn tích cực” về thương hiệu với thành quả là sự tín nhiệm hợp tác giữa cộng đồng với thương hiệu.
Chiến lược truyền thông gồm hai phần, một là cẩm nang chiến lược truyền thông mang tính định hướng, hai là việc thực hiện chiến lược truyền thông cũng quan trọng như việc xây dựng cẩm nang chiến lược truyền thông.
Một chiến lược truyền thông hiệu quả cần đảm bảo truyền tải đúng bản sắc, chiến lược thương hiệu và phù hợp với nguồn lực của doanh nghiệp.
Tại sao phải xây dựng chiến lược truyền thông?
Xã hội loài người phát triển và đạt được những thành tựu to lớn như ngày nay nhờ vào sự giao tiếp và gắn kết với nhau về mặt xã hội, sự gắn kết này là hợp tác không giới hạn. Chính giao tiếp đã giúp con người tin tưởng cùng nhau thực hiện nhiều công việc nhóm phức tạp. Để giao tiếp tốt thì cần một chiến lược truyền thông hiệu quả..
- Tín nhiệm cao sẽ tiết kiệm chi phí tuyển dụng và dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng nhân tài.
- Doanh nghiệp đạt được sự tín nhiệm tích cực sẽ dễ dàng trong việc kết nối và hợp tác.
- Tín nhiệm cao tỷ lệ thuận tín dụng cao, giúp doanh nghiệp dễ dàng trong việc vay vốn ngân hàng hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư.
- Tín nhiệm cao giúp doanh nghiệp nhận được sự tôn trọng, sự ưu ái trong chính sách của chính phủ.
Chiến lược truyền thông và chiến thuật
Phân biệt giữa chiến lược truyền thông và chiến thuật truyền thông là kiến thức nền tảng hỗ trợ định hướng, phân tích và triển khai hoạt động truyền thông, để phân biệt hai khái niệm này ta cần nhìn vào những thuộc tính của chúng.
Mục tiêu: chiến lược được tạo ra với mục tiêu định hướng dài hạn và nhất quán, chiến thuật được tạo ra nhằm hoàn thành những hạng mục công việc rõ ràng trong thời gian ngắn.
Tầm ảnh hưởng: bản chất chiến lược và chiến thuật đều được xây dựng dựa trên mục tiêu, tuy nhiên chiến lược là những mục tiêu dài hạn được nghiên cứu kỹ lưỡng có có tầm ảnh hưởng phổ quát, chiến thuật là những mục tiêu nhỏ và phạm vi ảnh hưởng cũng nhỏ hơn nhiều.
Quy trình thực hiện: chiến lược đòi hỏi nhà hoạch định có nền tảng kiến thức cùng sự am hiểu về thương hiệu, mục tiêu sau đó thiết lập những giả định và đưa ra kết luận dựa trên những phương pháp luận đã được chứng minh nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu. Chiến thuật là những hoạt động thực thi mà không cần xem xét quá nhiều.
Hai nhóm chiến lược truyền thông
Chiến lược truyền thông nội bộ: là phương thức chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, đảm bảo mọi nhân viên nhận được đầy đủ thông tin, hỗ trợ thực hiện đúng và tốt công việc của mình. Mục tiêu của mọi kế hoạch truyền thông nội bộ là xây dựng tinh thần nội bộ hạnh phúc và gắn kết.
Chiến lược truyền thông đại chúng: là phương thức truyền đạt nội dung từ doanh nghiệp tới thế giới bên ngoài, cụ thể hơn là khách hàng. Mục tiêu của truyền thông đại chúng là gia tăng sự hài lòng, tin tưởng và tín nhiệm của khách hàng với doanh nghiệp.
Chiến lược truyền thông và chiến lược marketing
Một số nguồn cho rằng chiến lược truyền thông nằm trong chiến lược marketing hoặc phòng truyền thông thuộc phòng marketing, theo Vũ điều này là không phù hợp. Việc xác định phạm vi hoạt động của truyền thông và marketing phụ thuộc vào “tính thương hiệu” hay “tính hàng hoá”.
Thương hiệu có “tính thương hiệu cao” là một thương hiệu cần đạt được uy tín lớn với khách hàng tiềm năng của mình, “tính thương hiệu” không bị giới hạn bởi mô hình kinh doanh là “B2B” hoặc “B2C”. Một thương hiệu mạnh đạt được nhận thức tích cực sẽ dễ dàng trong việc tạo dựng tài sản thương hiệu và phát triển nhiều thương hiệu khác. Đây là những thương hiệu cần ưu tiên chiến lược truyền thông.
Thương hiệu có “tính hàng hoá” là những thương hiệu có nhận thức ngang bằng nhau trong thị trường, “tính hàng hoá” được thể hiện bởi sự cạnh tranh khốc liệt về giá và khách hàng mục tiêu thường không dành nhiều thời gian để quyết định lựa chọn, những thương hiệu “tính hàng hoá” cao trải dài từ bình dân đến cao cấp. Đây là những thương hiệu cần ưu tiên chiến lược marketing.
Quy trình xây dựng chiến lược truyền thông
- Xác định mục tiêu nhận
- Xác định mục tiêu truyền thông
- Thiết kế và xây dựng bộ tài liệu truyền thông
- Lựa chọn kênh truyền thông phù hợp
- Xác định ngân sách truyền thông
- Xây dựng hệ thống truyền thông (cơ sở, con người, thiết bị…)
- Đo lường kết quả và hiệu chỉnh
Cẩm nang chiến lược truyền thông
Cẩm nang chiến lược truyền thông bao gồm 13 hạng mục:
- Giới thiệu chiến lược truyền thông
- Phương pháp luận và mô hình
- Chân dung người nhận thông tin
- Mục tiêu của chiến lược truyền thông
- Khung chiến lược truyền thông
- Giải pháp truyền thông
- Những thông tin truyền thông chính
- Các kênh truyền thông
- Mô tả và giải thích những tệp tin truyền thông
- Bộ máy và kế hoạch thực hiện
- Ngân sách và quản lý ngân sách
- Những rủi ro và phương án xử lý
- Bảng theo dõi và đo lường
Kết
Qua bài chia sẻ này, chúng ta thấy rằng mục tiêu của chiến lược truyền thông không phải là doanh số hoặc lợi nhuận, mục tiêu của chiến lược truyền thông lớn hơn và bền vững hơn, đó chính là sự an tâm, tín nhiệm trong nhận thức của nhân viên, khách hàng và đối tác.